CÔNG NGHỆ THỰC TẾ ẢO: XU HƯỚNG KHỞI NGHIỆP TIÊN PHONG TRONG BỐI CẢNH “BÌNH THƯỜNG MỚI”.

Hiện nay, trong bối cảnh “bình thường mới”, các hoạt động đang dần quay trở lại với trạng thái ban đầu dẫu cho nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh vẫn chực chờ bùng phát. Điều này đặt ra cho xã hội một bài toán về việc thích ứng và phát triển nhanh nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn. Các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, vì thế, cần tìm kiếm cho mình một giải pháp để giải quyết vấn đề trên. Và công nghệ thực tế ảo đã vươn lên trở thành xu hướng khởi nghiệp tiên phong trong bối cảnh ấy. 

1. Đôi nét về Công nghệ thực tế ảo: 

Công nghệ thực tế ảo (VR) là công nghệ giúp mô phỏng lại những trải nghiệm thực tế thông qua không gian ảo. Việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo mang đến cho người sử dụng các tương tác chân thật trên nhiều giác quan. 

Về cơ bản, VR có 3 đặc tính chính là Tương tác (Interactive), Nhập vai (Immersion) và Tưởng tượng (Imagination). Đối với một hệ thống thực tế ảo thì tính tương tác, các đồ họa ba chiều, thời gian thực và cảm giác cho người xem được coi là các đặc tính then chốt.

2. Công nghệ thực tế ảo những năm trước dịch bệnh Covid-19

Trên thực tế, các sản phẩm của công nghệ thực tế ảo đã trở nên phổ biến từ trước lúc đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện. Công nghệ thực tế ảo được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như khoa học kỹ thuật, kiến trúc, quân sự, giải trí, du lịch, địa ốc; đáp ứng được nhiều nhu cầu đa dạng khác nhau. Ở lĩnh vực bán lẻ, khi sử dụng công nghệ thực tế ảo, khách hàng có thể trải nghiệm mua sắm ảo ngay tại nhà hay tạo ra các cửa hàng ảo để thay thế cửa hàng truyền thống. 

Tuy nhiên, lúc bấy giờ, các thiết bị VR còn cồng kềnh và đắt đỏ. Trải nghiệm VR cũng chưa hẳn là tuyệt vời như mong muốn. Vì vậy, công nghệ thực tế ảo lúc đó vẫn chưa thể hiện hết tiềm năng của nó. 

3. Những thách thức trong việc phát triển sản phẩm sử dụng công nghệ thực tế ảo

Phần lớn doanh nghiệp phải chi một số tiền lớn để có thể sản xuất nên một sản phẩm công nghệ thực tế ảo nhưng khách hàng lại không sẵn sàng chi trả cho nó. Điều này đặt ra cho các doanh nghiệp bài toán về việc cân bằng chi phí nhưng vẫn phải đảm bảo được chất lượng và trải nghiệm của sản phẩm. 

Hơn thế nữa, người dùng từ trước đến nay quan niệm thực tế ảo thường đi kèm với các loại hình trò chơi cũng trở thành một thách thức đối với doanh nghiệp. Việc ứng dụng thực tế ảo vào các lĩnh vực mới vẫn chưa hoàn toàn xoá mờ đi những định kiến và thỏa mãn được mong đợi của họ. 

4. Sự bùng nổ của công nghệ thực tế ảo trong đại dịch Covid-19

Trong bối cảnh dịch bệnh, hầu hết các địa phương đều thực hiện các biện pháp cách ly xã hội. Các hoạt động sản xuất và sinh hoạt, vì thế, đều phải được thực hiện từ xa, thông qua các nền tảng trực tuyến, cụ thể như chính sách “work from home” hay xu hướng mua sắm qua mạng. Chính hoàn cảnh đó đã giúp công nghệ thực tế ảo trở thành xu hướng khởi nghiệp mới vì công nghệ này có thể giải quyết nhu cầu hiện tại của xã hội, đem lại những trải nghiệm dù gián tiếp nhưng vẫn đảm bảo tính chân thực cho người dùng. 

Điển hình cho doanh nghiệp khởi nghiệp áp dụng công nghệ thực tế ảo là nền tảng Vr360. Nền tảng này giúp người dân có thể du lịch Đà Nẵng chỉ thông qua một cú click chuột. Đây chính là biểu hiện cho sự quay trở lại mạnh mẽ của công nghệ thực tế ảo trong lĩnh vực du lịch.  

Ngoài ra, vào thời kỳ dịch bệnh, các doanh nghiệp sẽ gặp các khó khăn nhất định trong việc tổ chức các sự kiện kết nối với đối tác hay khách hàng. Đó là lúc việc tổ chức sự kiện online lên ngôi, vừa là giải pháp kịp thời cho các doanh nghiệp, vừa thể hiện quá trình thích ứng nhanh với bối cảnh mới. Tiên phong trong xu hướng khởi nghiệp bằng công nghệ thực tế ảo trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, không thể không kể đến Vr Fairs – nền tảng tổ chức triển lãm và hội chợ thực tế ảo. Vr Fairs cho phép tổ chức các sự kiện thực tế ảo nhưng đem lại cho khách tham quan một không gian tương tác và trải nghiệm chân thực không thua kém gì những sự kiện offline truyền thống trước đây. 

Tóm lại, công nghệ thực tế ảo đang từng bước trở thành “bá chủ”, dẫn đầu xu hướng khởi nghiệp trong thời kỳ bình thường mới. Để có những trải nghiệm thực tế nhất về công nghệ thực tế ảo, mời bạn đến tham quan Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng mở rộng – SURF 2021 – được tổ chức trên nền tảng Vr Fairs, quy tụ 80 gian hàng thực tế ảo đến từ các doanh nghiệp khởi nghiệp, các quỹ đầu tư và các Vườn ươm trên địa bàn thành phố. 

Đón đọc thêm những thông tin khác liên quan đến khởi nghiệp tại đây: 

>> ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP QUỐC GIA

>> 5 QUỸ ĐẦU TƯ MẠO HIỂM UY TÍN TẠI VIỆT NAM

>>  CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN SURF 2021 CHÍNH THỨC BẮT ĐẦU XÉT CHỌN DỰ ÁN

 

Trả lời