Theo thống kê của Liên Hợp Quốc vào năm 2016, ước tính có 54,5% dân số thế giới sống ở các đô thị. Đến năm 2050, dự kiến con số này sẽ tăng lên đến 66%, đồng nghĩa với việc quá trình đô thị hoá kết hợp với sự tăng trưởng chung của dân số thế giới sẽ khiến dân số ở đô thị tăng thêm 2,5 tỉ người. Tuy nhiên, các đô thị đang trở thành nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu – mối nguy cơ lớn nhất đe doạ đến tương lai của nhân loại hiện nay. Như vậy, nếu các thành phố tiếp tục phát triển với cách thức như hiện tại thì nó sẽ trở thành mối đe doạ lớn nhất của nhân loại. Mặt khác, các thành phố đang ngày càng được coi như là địa điểm phù hợp cho tăng trưởng bền vững và là nơi dành cho những sáng tạo và đổi mới. Bởi vì những cơ hội mới cho tương lai cũng đều nằm ở thành phố, đô thị.
Trong thế kỉ trước, các đô thị đã di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi trung tâm thành phố hoặc thị trấn, dẫn đến ngành công nghiệp sản xuất bị suy yếu. Tỉ trọng của ngành công nghiệp sản xuất ở các thành phố lớn trên thế giới, bao gồm New York, London và Paris, đều không vượt quá 5% và tỉ lệ này ở Seoul cũng gỉam dần. Kết quả tất yếu là các không gian đô thị truyền thống, vốn là nơi tập trung hoạt động sản xuất, giờ đã hoàn toàn chuyển thành nơi dành cho công nghiệp tiêu dùng và dịch vụ.
Sản xuất ở đô thị vốn là nguồn động lực của các thành phố để thu hút các doanh nghiệp và các nhà khởi nghiệp, như là môt cái nôi của công nghiệp và công nghệ cao. Tuy nhiên, sự suy giảm của ngành sản xuất ở đô thị đã xoá bỏ nguồn việc làm cho thanh niên khi họ tìm đến các thành phố với hy vọng đổi đời. Hệ sinh thái công nghiệp của thành phố, nơi diễn ra quá trình sinh sống, làm việc và vui chơi, đã dần mất đi sức mạnh do sự sụt giảm năng lực sản xuất. Ngày nay, vấn đề thất nghiệp của thanh niên có nhiều nguyên nhân, nhưng thủ phạm chính là việc không có một hệ sinh thái công nghiệp vững mạnh để có thể cung cấp đủ lượng công việc phù hợp cho các thành phố. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, tỉ lệ thất nghiệp ở giới trẻ trên toàn cầu năm 2011 là 12,8% và đã tăng dần lên 13,2% năm 2017. Một vấn đề nghiêm trọng hơn nữa là việc hơn một phần ba lực lược lao động trẻ hiện đang sống dưới mức nghèo đói dù họ có việc làm.