Ngày nay, không khó để tìm thấy các khoá học và chương trình đào tạo về khởi nghiệp ở những trường đại học và các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp tại Việt Nam. Những khoá học này được tạo ra với nhiều mục đích khác nhau. Ngoài việc đáp ứng mong muốn trau dồi kiến thức ngày càng cao của những người trẻ về khởi sự kinh doanh, về khả năng làm chủ sự nghiệp của bản thân thì các khóa học này còn đang góp phần triển khai các chính sách của nhà nước về hỗ trợ khởi nghiệp.
Thêm vào đó, sự cạnh tranh ngày càng sát sao giữa các trường đại học, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp trong việc thu hút học viên và các dự án khởi nghiệp có chất lượng cũng là một yếu tố thúc đẩy những khoá đào tạo khởi nghiệp ra đời. Dù với mục đích nào đi nữa, những khoá học này đang ngày càng nâng cao kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp cho đội ngũ những người trẻ. Chúng không chỉ hỗ trợ họ trong việc tạo ra việc làm cho bản thân mà còn giúp cho họ hiểu rõ hơn về hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như vai trò của thế hệ trẻ trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Nhận thức được tầm quan trọng của đào tạo khởi nghiệp, bài viết này sẽ làm rõ những yếu tố cần có trong đào tạo khởi nghiệp, giới thiệu tổng quan về đào tạo khởi nghiệp trên thế giới, tại Việt Nam và đặc biệt là tại thành phố Đà Nẵng.
Vậy đào tạo khởi nghiệp là gì?
Có khá nhiều định nghĩa về đào tạo khởi nghiệp, nhưng chúng ta có thể tóm gọn lại như sau: Đào tạo khởi nghiệp tập trung vào việc bổ sung và hoàn thiện những kiến thức, kỹ năng, thái độ và tư duy đúng đắn cho học viên để họ có thể nắm bắt cơ hội và đạt được được thành công trong việc kinh doanh tự lực của bản thân.
Phương pháp đào tạo khởi nghiệp có những đặc điểm riêng biệt, theo Mélissa Phillipe, Quản lý của Dự án đào tạo doanh nhân tại Cao đẳng (PEEC) đó là :
-
Khuyến khích được học viên làm chủ và có trách nhiệm với việc học của chính mình.
-
Tạo điều kiện để học viên học từ bản thân và từ phản hồi của những người khác thông qua những tình huống sát thực tế.
-
Củng cố tinh thần đồng đội, khả năng lắng nghe tích cực và chia sẻ kinh nghiệm từ những thành viên trong một nhóm.
Nhấn mạnh đến vai trò của giảng viên trong giảng dạy khởi nghiệp, Alain Fayolle, giám đốc trung tâm nghiên cứu khởi nghiệp tại Trường đại học Libre de Bruxelles (Bỉ) cho rằng lớp học không còn là “thầy giảng, trò nghe” mà người thầy phải là người tạo được động lực và cảm hứng cho học viên, đưa ra những chỉ dẫn và lời khuyên không mang tính áp đặt và đóng vai trò là người điều phối các hoạt động trong lớp học, từ đó học viên có thể tự mình đưa ra những nhận định và cách giải quyết cho vấn đề đang gặp phải một cách tích cực và sáng tạo.
Với những đặc tính trên, có thể thấy đào tạo khởi nghiệp rất khác với những môn học truyền thống, vừa có phần sáng tạo, cũng vừa phải linh hoạt hơn để đem lại được hiệu quả trong quá trình tiếp thu kiến thức và kỹ năng của học viên. Vậy đào tạo khởi nghiệp và những nghiên cứu về khởi nghiệp đã bắt đầu như thế nào? Phải kể đến sự hình thành của ngành học này trên thế giới.

Tổng quan về đào tạo khởi nghiệp
Ngành học khởi nghiệp (hay khởi sự kinh doanh) có mặt khá muộn. Trước năm 1979, các nhà kinh tế học chỉ nhắc đến các tập đoàn lớn là động cơ tiến bộ chính của nền kinh tế. Chỉ khi bài viết đầu tiên của David Birch (1979) thu hút được sự chú ý của quốc hội Mỹ vì đã nhấn mạnh đến vai trò của doanh nhân khởi nghiệp trong việc tạo ra công ăn việc làm mới, thì những nghiên cứu về khởi nghiệp hay khởi sự kinh doanh mới bắt đầu xuất hiện và nhận được sự quan tâm. Khởi nghiệp dần dần được mọi người nhắc đến như cơ hội của sự tự do sáng tạo, là thước đo của lòng tự trọng và hơn hết là tinh thần làm chủ cuộc sống của bản thân. Những mong muốn của doanh nhân về việc được bồi dưỡng và trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp ngày càng nhiều đã thúc đẩy sự ra đời của hàng loạt của những khoá đào tạo về khởi nghiệp trên toàn thế giới. Ví dụ như ở Mỹ, từ khoá học chính thức đầu tiên về khởi nghiệp sáng tạo năm 2003, tính đến năm 2005, số lượng này đã tăng lên 2200 khoá tại hơn 1600 trường đại học và 100 trung tâm khởi nghiệp lớn nhỏ (Kuratko, 2005).
Còn tại Việt Nam cũng xuất hiện rất nhiều chương trình đào tạo khởi nghiệp sáng tạo. Sự đa dạng của các chương trình này không chỉ ở mặt hình thức (môn bắt buộc hay môn ngoại khoá trong các trường đại học, các khoá đào tạo ngắn hạn hay dài hạn bên ngoài xã hội) mà còn hướng đến nhiều đối tượng khác nhau như giảng viên khởi nghiệp (TOT), sinh viên, những người đang khởi nghiệp (startups founder) và chưa khởi nghiệp nhưng muốn trau dồi kiến thức cho bản thân. Chúng ta có thể nhắc đến một vài chương trình nổi bật về đào tạo khởi nghiệp như: chương trình của Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) từ năm 2014; chương trình khởi nghiệp doanh nhân xã hội của Hội đồng Anh tại Việt Nam phối hợp với trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (2017); chương trình đào tạo tăng tốc khởi nghiệp do đại sứ quán Israel tổ chức (2016)…
Những khóa học đầu tiên về khởi nghiệp của DNES
Trong năm 2020 vừa qua, DNES đã chính thức ươm tạo 10 khóa đào tạo nhắm tới 2 đối tượng khác nhau: thanh niên có mong muốn khởi nghiệp tại thành phố Đà Nẵng và các cán bộ quản lý, cán bộ nguồn của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại khu vực miền Trung Tây Nguyên. Mục tiêu chính của các khóa học này là:
-
Tạo động lực và cái nhìn tích cực cho những người trẻ về khởi nghiệp, đồng thời giúp họ hiểu rõ hơn về tính khả thi và giá trị mà một ý tưởng khởi nghiệp có thể đem đến cho khách hàng.
-
Hỗ trợ các cán bộ nguồn của các địa phương trong việc vận hành, quản lý các trung tâm ươm tạo thông qua việc giới thiệu về chính mô hình Vườn ươm hợp tác công tư của DNES.
Mặc dù cả hai khoá học đã thực hiện còn có nhiều điểm cần phải khắc phục, hoàn thiện, nhưng bước đầu đã nhận được phản hồi khá tốt từ phía học viên và DNES hoàn toàn có cơ sở để triển khai những khóa học tiếp theo trong năm 2021. DNES đang mong muốn kết nối các thành tố khởi nghiệp và dần hoàn thiện bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua việc nâng cao cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ nhân sự khởi nghiệp sáng tạo của thành phố và kết nối chặt chẽ các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp khắp miền Trung Tây Nguyên.