K​hởi nghiệp: Bắt đầu từ địa phương

Con số hơn 110.000 doanh nghiệp được thành lập mới năm 2016 tại Việt Nam theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lập kỷ lục về số lượng doanh nghiệp thành lập mới từ trước tới nay, trong đó sự đóng góp của Đà Nẵng chắc chắn là không nhỏ. Khởi nghiệp ở Đà Nẵng có những lợi thế từ sự đầu tư và hỗ trợ của chính quyền thành phố thông qua Hội đồng Điều phối Mạng lưới Khởi nghiệp, từ các dịch vụ hỗ trợ của các vườn ươm doanh nghiệp và không gian làm việc chung – coworking space. Tuy nhiên nếu xét về tổng thể thì hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đà Nẵng vẫn bị TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội bỏ lại một khoảng phía sau. Vậy với quy mô, đặc thù nền kinh tế và môi trường khởi nghiệp của mình, các startup ở Đà Nẵng nên có tư duy, hướng đi như thế nào để thành công cũng như tận dụng tối đa được những hỗ trợ?

Tập trung vào lợi thế, giải quyết các vấn đề địa phương

Định hướng của thành phố Đà Nẵng là tập trung phát triển kinh tế bằng dịch vụ, trong đó du lịch là một trong những ngành mũi nhọn, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế, với mục tiêu là năm 2020 ngành du lịch, dịch vụ đóng góp hơn 60% GDP của thành phố. Bên cạnh đó, để nền kinh tế của Đà Nẵng có được sự đa dạng như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh thì còn cần một khoảng thời gian khá dài nữa. Do đó theo bà Từ Thu Hiền, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Kinh doanh Mekong (MBI – Mekong Business Inititives) tại Việt Nam – một dự án tập trung thúc đẩy sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thì các startup ở Đà Nẵng có thể chú ý vào các yếu tố liên quan đến du lịch, kết hợp với việc tìm được một ngách riêng, tận dụng lợi thế về quy mô thị trường nhỏ thì sẽ có nhiều cơ hội để thành công hơn.

“Trong startup có một khái niệm gọi là thất bại nhanh, với quy mô thị trường nhỏ, khi các bạn đưa ra thị trường thử nghiệm thì kết quả thu về sẽ nhanh, vậy nên nếu thời gian thất bại nhanh thì thời gian các bạn đưa ra giải pháp mới sẽ nhanh hơn” – bà Hiền cho biết thêm.

Có một thực tế mà có lẽ bất kỳ startup nào cũng biết, đó là chỉ khoảng 1% các startup thành công, còn lại là thất bại. Và cũng trong 1% thành công nhỏ nhoi đó cũng rất ít các doanh nghiệp có thể vươn ra thế giới và có lãi. Việc có lãi khi vươn ra thế giới không phải là điều đơn giản, ngay cả với doanh nghiệp lớn bởi nhiều yếu tố như văn hóa, kinh nghiệm, thị trường. Tuy nhiên, với các giải pháp liên quan đến du lịch, thì có vẻ như cơ hội để đi ra thế giới rộng mở hơn. Theo bà Ngô Hồng Điệp, chuyên gia của MBI tại Việt Nam thì khi một startup giải quyết được bài toán về du lịch tại địa phương mình, thì giải pháp đó có thể được nhân rộng ở những điểm du lịch khác đang tồn tại vấn đề tương tự.

“Ví dụ, du lịch bị ảnh hưởng rất lớn bởi các vấn về liên quan đến môi trường. Và có rất nhiều vấn đề mà Đà Nẵng và nhiều nơi trên thế giới đang cùng gặp phải. Nếu startup nào giải quyết được vấn đề này ở Đà Nẵng, thì rõ ràng là thị trường của giải pháp đó không chỉ dừng lại ở Đà Nẵng”, bà Điệp cho biết.

Tận dụng sự giúp đỡ từ các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp

Hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam đang lên cao, đi cùng theo đó là có khá nhiều quỹ, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp. Theo các chuyên gia từ Dự án MBI, các startup nên tận dụng triệt để mọi sự hỗ trợ từ các quỹ, chương trình này, đặc biệt là lợi thế về truyền thông. Bởi lẽ được huấn luyện, chia sẻ kiến thức, tiếp cận về vốn chỉ là một phần, nhưng các startup cần phải để mọi người biết đến mình, có như vậy mới bán được sản phẩm, và được nhiều nhà đầu tư chú ý.

Với các startup trong ngành du lịch thì có thể nhắc tới MIST – Sáng kiến Khởi nghiệp Du lịch vùng Mekong, một cuộc thi dành cho các đơn vị khởi nghiệp trong ngành du lịch do Dự án MBI và Văn phòng Điều phối Du lịch vùng Mekong (MTCO) tổ chức. Ngay từ đầu năm 2017, MIST sẽ bắt đầu tiếp nhận hồ sơ của các startup và tổ chức một cuộc thi ở tầm khu vực về các giải pháp cho ngành du lịch. Các startup tham gia sẽ đều được huấn luyện trước khi tranh tài, vậy nên dù thắng cuộc hay không thì các khởi nghiệp vẫn có được những bài học kinh nghiệm cả từ thành công lẫn thất bại từ khắp nơi trên thế giới. Và tất nhiên không thể không nhắc đến cơ hội gặp gỡ các nhà đầu tư thiên thần.

“Tôi thấy học hỏi, chia sẻ thì có nhiều chương trình hỗ trợ. Nhưng cơ hội để trình bày dự án, kế hoạch kinh doanh của mình trước các nguyên thủ quốc gia, đại biểu quốc tế tại Diễn đàn đầu tư APEC Đà Nẵng 2017 và Diễn đàn du lịch vùng Mekong tại Lào 2017 rõ ràng là một điều mà không phải tổ chức nào cũng mang lại được cho các startup” – ông Jason Lusk, chủ biên của Dulichable, một tạp chí online chuyên về Marketing cho ngành Du lịch và Khách sạn Việt Nam, cho biết.

Tận dụng những lợi thế về hiểu biết; bắt đầu giải quyết những vấn đề mà địa phương mình đang gặp phải; tận dụng các cơ hội phát triển và sử dụng tối các nguồn lực hỗ trợ để có được thành công, và xa hơn là tiến ra thế giới. Đó có thể là một trong những hướng đi không chỉ cho startup ở Đà Nẵng, mà còn cho cả Việt Nam. Hãy nhớ lại một câu nói quen thuộc: nghĩ lớn nhưng bắt đầu từ nhỏ.

 

 

Trả lời