SURF 2021, sự kiện triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng thường niên, đã chính thức được tổ chức vào ngày 15/11/2021. Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng mở rộng – SURF 2021 đã chính thức quay trở lại. Diễn ra trong vòng 1 tháng (từ ngày 15/11/2021 – 15/12/2021), SURF 2021 hứa hẹn đem đến cho khách tham quan vô số những hoạt động bổ ích, thú vị. Trong số đó, phải kể đến Hội thảo chuyên đề với sự có mặt của các chuyên gia, các nhà đầu tư và các dự án khởi nghiệp tiềm năng.
Dưới đây là 3 chủ đề được giới thiệu trong Hội nghị chuyên đề tại SURF 2021:
- Chia sẻ thành công từ các dự án khởi nghiệp tiêu biểu
- Xây dựng cơ chế chính sách và hoạt động hỗ trợ, kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng
- Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường Đại học, Cao đẳng
1. Hội thảo chuyên đề 1: Chia sẻ thành công từ các dự án khởi nghiệp
Trong hội thảo, người tham gia sẽ có cơ hội lắng nghe những chia sẻ từ các dự án khởi nghiệp thành công tại Đà Nẵng. Tiêu biểu như:
- Dự án chatbot Việt Nam của Hekate
- Tổng đài thông minh AI Call Center của VBPO
- VrFairs – nền tảng hỗ trợ triển lãm và thực tế ảo
Dự án chatbot Việt Nam của Hekate đã được Uỷ ban nhân dân thành phố ứng dụng để tăng cường quảng bá hình ảnh của thành phố Đà Nẵng. Đặc điểm nổi bật của ứng dụng này chính là khả năng giao tiếp với người dùng.
Chia sẻ từ anh Nguyễn Văn Minh Đức, CEO của Công ty cổ phần Công nghệ Hekate cho biết, sự hỗ trợ và giúp đỡ từ phía chính quyền với chương trình “Thành phố thông minh” chính là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp sáng tạo, trong đó có Hekate với những sáng kiến giúp cho Thành phố phát triển hơn.
Để tìm hiểu kĩ hơn thông tin về các doanh nghiệp khởi nghiệp, mời các bạn ghé thăm phòng chuyên đề 1 tại đây.

2. Hội thảo chuyên đề 2: Xây dựng cơ chế chính sách và hoạt động hỗ trợ, kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng
Các nội dung chính tại Hội thảo “Sở hữu trí tuệ với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”:
- Vai trò của sở hữu trí tuệ trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Quyền sở hữu trí tuệ sẽ tạo ra nền tảng, tuy nhiên chúng ta cần phải bảo vệ và vận dụng nó một cách hợp lý và khôn ngoan.
Tiêu biểu như trường hợp của Uber. Uber đã đăng ký quyền bảo hộ tác giả cho chương trình máy tính của mình, nghĩa là không sao chép. Tuy nhiên, để tạo lập một bộ máy như Uber sẽ có hàng nghìn chương trình máy tính khác. Điều đó đã dẫn đến sự mọc lên của rất nhiều công ty tương tự Uber như Grab và gây ra sự cạnh tranh. Đặc biệt có thể thấy ở thị trường Việt Nam khi hiện nay Uber đã rút khỏi nhưng Grab vẫn còn tồn tại và phát triển mạnh.
Quyền sở hữu trí tuệ sẽ là điểm kết nối cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nghĩa là quyền sở hữu trí tuệ sẽ đi theo xuyên suốt trong hoạt động của bất kỳ doanh nghiệp nào. Đó sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp khai thác, phát triển cũng như giám sát và bảo vệ các ý tưởng kinh doanh của mình.
- Sử dụng hiệu quả công cụ sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu, xác lập quyền, phát triển và thương mại hoá sản phẩm công nghệ
Tại đây, ta sẽ được lắng nghe chia sẻ của PGS – TS Trần Văn Nam – Trưởng Khoa Luật Đại học Kinh tế Quốc dân về cách sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, các hoạt động hỗ trợ việc sử dụng cũng như cách sử dụng một cách hiệu quả trong nghiên cứu và phát triển công nghệ.
- Các câu chuyện khởi nghiệp thành công từ sở hữu trí tuệ
Nhờ vào sở hữu trí tuệ, đã có những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, tiêu biểu có thể kể đến như:
- Graphenel JSC: Siêu vật liệu Graphene từ mỡ động vật
- Galaxy Biotech JSC: Túi bảo quản thực phẩm từ màng sinh học
- Công ty Cổ phần thực phẩm Điện Biên: Các sản phẩm dinh dưỡng từ màng gạo lứt
- Thảo luận bàn tròn về sở hữu trí tuệ với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Trong phần này, tất cả các diễn giả sẽ cùng trả lời các thắc mắc từ người tham gia về sở hữu trí tuệ với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tham gia phòng hội nghị chuyên đề 2 tại đây

3. Hội thảo chuyên đề 3: Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường Đại học, Cao đẳng
Việc cung cấp nguồn nhân lực cũng là một sự đầu tư cần thiết cho việc thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong những năm gần đây, việc thúc đẩy các hoạt động phát triển tư duy khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục được đặc biệt chú trọng. Tiêu biểu như việc thành lập các câu lạc bộ Khởi nghiệp, các cuộc thi hay những triển lãm khởi nghiệp như SURF 2021 tạo cơ hội cho sinh viên tiếp xúc nhiều hơn với cộng đồng khởi nghiệp.
Trong những năm qua, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật đã có nhiều đề tài đạt được giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp. Tiêu biểu như thiết bị Quan trắc không khí cảnh báo cháy nổ khí độc Cacbon Monoxit đã lọt vào chung kết cuộc thi Sinh viên Startup 2020. Theo chia sẻ từ em Đặng Lê Thái Phong, chính nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của trường cũng như của các giảng viên, của lãnh đạo thành phố đã thúc đẩy sự sáng tạo của sinh viên trong các hoạt động đổi mới sáng tạo. Hy vọng những động lực đó sẽ được phát huy vì một môi trường khởi nghiệp Đà Nẵng năng động trong cộng đồng sinh viên.
Tham gia phòng chuyên đề 3 ngay tại đây

Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng mở rộng SURF 2021 diễn ra từ ngày 15/11/2021 đến ngày 15/12/2021 với chủ đề “Thích ứng – Chuyển đổi – Tăng tốc”.

Xem thêm các bài viết liên quan:
>> Lịch trình Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng mở rộng SURF 2021
>> 80 gian hàng cùng với dự án khởi nghiệp đã có mặt tại SURF 2021