FOOD TECH SẼ THAY ĐỔI CÁCH CHÚNG TA ĂN UỐNG NHƯ THẾ NÀO?

Steve Jobs giới thiệu chiếc Iphone đầu tiên vào năm 2007. Rồi sau đó thì sao? Bạn có còn phải đi mua bản đồ giấy mỗi lần đi du lịch? Bạn có còn lật lịch bàn để xem hôm nay có gì? Công nghệ đang thay đổi mọi thứ một cách chóng mặt, ngay cả ngành thực phẩm. 10 năm sau này, thứ mà chúng ta ăn bây giờ và cả hệ thống vận hành phía sau nó có thể sẽ lỗi thời giống như những chiếc điện thoại “cục gạch”. Câu hỏi giờ đây không còn là liệu nó có định hình lại cách chúng ta chế biến, ăn hay vận chuyển thực phẩm hay không, mà là như thế nào?

Miếng thịt bò năm 2030?

Bây giờ, bạn hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng đang mở tủ lạnh vào năm 2030. Có thể miếng bít tết đang giữ trong ngăn đông được tạo ra bằng cách nuôi cấy tế bào của một con bò trong phòng thí nghiệm. Những quả táo trong rổ kia có thể đã được sửa đổi gen cho thơm ngọt hơn. Mớ rau cải nằm trong góc được thu hái từ chính giàn rau thuỷ canh rộng vỏn vẹn 1 mét vuông trên sân thượng nhà bạn. Hay thậm chí hộp sữa chua đặt trên kệ sẽ phản quang để báo cho bạn biết rằng nó sắp hết hạn.

Công nghệ, hay cụ thể là công nghệ thực phẩm – Food Tech, đang ngày càng phát triển và hứa hẹn sẽ giải quyết những thách thức trong ngành thực phẩm mà con người đang đối mặt.

Nói chuyện về Food Tech, Nadia El Hadery, người sáng lập ra YFood, trung tâm công nghệ kết nối các startup trong ngành công nghệ thực phẩm tại Luân Đôn cho rằng: “Food Tech là sự đổi mới trong toàn bộ chuỗi giá trị thực phẩm, từ trang trại, bàn ăn đến cả thùng rác và tất cả những gì ở giữa: sản xuất, vận chuyển và lưu trữ, chế biến, tiếp thị, phân phối, tiêu thụ và cuối cùng là xử lý.”

“Thay đổi lớn nhất từ Food Tech mà ai cũng có thể thấy được chính là việc tăng cường tính minh bạch”, Nadia chia sẻ thêm. Nhiều nhóm các tổ chức đang sử dụng công nghệ blockchain nhằm giúp người mua có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc, cũng như các tác động đối với sản phẩm, thúc đẩy việc “tiêu dùng có ý thức” của mọi người.

Food Tech sẽ đi đến đâu?

Công nghệ thực phẩm trên thế giới đang phát triển nhanh chóng và đạt những thành tựu to lớn, tạo ra sự thay đổi trên mọi phương diện đời sống, từ sinh kế của người nông dân, dinh dưỡng cho người tiêu dùng cho đến cả miếng thịt bò.

Một công ty Mỹ tên Memphis Meat đã chế tạo thành công miếng thịt nhân tạo đầu tiên được tổng hợp từ tế bào động vật. Trong ngành công nghiệp đang chiếm 30% diện tích đất trên hành tinh và chiếm 18% lượng khí thải nhà kính thì “thịt sạch” hứa hẹn không chỉ là lời giải cho các vấn đề môi trường mà cả những vấn đề về đạo đức.

Tin buồn là hiện nay miếng thịt bò trong nhà bạn vẫn được lấy ra từ lò mổ, chứ không từ phải phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, công nghệ thực phẩm tại Việt Nam cũng đang phát triển từng ngày và thu hút được rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. Theo báo cáo “Vietnam Deal Insight 2017” do Topica Founder Institute thực hiện, Food Tech là một trong hai lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất, lên đến 65 triệu USD, vượt qua cả Fintech (công nghệ tài chính).

Hai startup Food Tech được Topica nhắc đến trong báo cáo đó là Foody và Cooky. Foody thì chắc không còn xa lạ gì với người dùng Việt. Là một ứng dụng cho phép khách hàng có thể tìm kiếm, đánh giá, bình luận các địa điểm ăn uống, Foody đã góp phần thay đổi thói quen của thị trường trong lĩnh vực ăn uống cũng như đang dần ăn sâu vào tâm trí người dùng ở thị trường đặt món trực tuyến với ứng dụng Delivery Now. Trong khi đó, Cooky lại là một nền tảng chia sẻ công thức nấu ăn, hỗ trợ người dùng không chỉ việc chế biến món ăn mà từ công việc chuẩn bị, lựa chọn nguyên liệu và cả lựa chọn dụng cụ bếp cho phù hợp.

Mới đây, “ông trùm” trái cây sấy Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Vinamit đã cho ra mắt một sản phẩm mới vô cùng độc đáo: nước mía sấy. Vậy mới thấy, đâu phải cứ nhắc đến Food Tech là phải nhắc đến thứ “đao to búa lớn” mà đôi khi cũng chỉ là để giải quyết nhu cầu được uống nước mía sạch của người dân. Sản phẩm thực sự đã gây ấn tượng với cộng đồng, đặc biệt là người Việt ở nước ngoài – những người lưu luyến hương vị nước mía ở quê hương.

Dù mang lại những thành tựu và tác động tích cực, tuy nhiên, công nghệ thực phẩm không phải là một viên đạn bạc. Những phương pháp mới ra đời sẽ đi kèm với nhiều câu hỏi theo sau, từ chất lượng và độ an toàn của các sản phẩm, dịch vụ mới đến việc hệ quả mà chúng sẽ đem đến đối với nền nông nghiệp truyền thống. Điều gì sẽ xảy ra với những người chỉ sống phụ thuộc vào nông nghiệp, khi nền nông nghiệp trở nên tự động hơn? Thực phẩm biến đổi gien là cứu cánh cho nền nông nghiệp hay quả bom hẹn giờ?

 

Trả lời