Trong hơn 2 năm vừa qua, nhiều dự án khởi nghiệp hình thành tại thành phố Đà Nẵng đã tham gia các chương trình của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng để được nhận các hỗ trợ về đào tạo, tư vấn, kết nối, không gian làm việc, gọi vốn, ….
Trong đó có nhiều dự án đạt được kết quả tốt: gọi vốn đầu tư, tăng trưởng doanh thu như Zody – Ứng dụng hỗ trợ quán ăn, coffee, bar, pub, vv chăm sóc và quản lý khách hàng; Nôi TOB – sản xuất nôi em bé tích hợp nhiều chức năng như ru ngủ, đọc truyện, phát nhạc, báo động vệ sinh thông qua cảm biến và app cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe trẻ em; Minh Hồng – sản xuất nước rửa chén và lau nhà từ sản phẩm rau củ quả thừa.
Tuy vậy nhưng số lượng các dự án khởi nghiệp lớn mạnh vẫn còn hạn chế. Khoảng 40% dự án tham gia chương trình ươm tạo tại DNES dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng trong vòng 1 năm đầu tiên kể từ khi thành lập dự án. Có nhiều lý do khiến các dự án khởi nghiệp thất bại, trong đó có 3 lý do hàng đầu khiến các startup thất bại:
VẤN ĐỀ VỀ KHÁCH HÀNG VÀ THỊ TRƯỜNG
Không hiểu về khách hàng và thị trường là một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án thất bại. Tổ chức nghiên cứu thị trường CB Insights đã tổng hợp được 20 lý do khiến các startup thất bại, trong đó nguyên nhân hàng đầu là không quan tâm đến khách hàng và không có thị trường.
Các nhà sáng lập khởi nghiệp thường có xu hướng tập trung quá nhiều vào phát triển sản phẩm mà thiếu sự quan tâm đúng mức đến việc nghiên cứu khách hàng và thị trường. Điều này dẫn đến việc sản phẩm ra đời không có khách hàng muốn mua và sử dụng hoặc thị trường quá nhỏ khiến dự án không thể phát triển nhanh được. Tại Đà Nẵng, tình trạng khá phổ biến là các dự án khi đăng kí tham gia chương trình ươm tạo tại Vườn ươm đã có sản phẩm nhưng lại chưa biết khách hàng là ai, thị trường ở đâu. Nhiều dự án sau thời gian tham gia chương trình đã thay đổi hoàn toàn sản phẩm phù hợp với thị trường, trong khi đó, một số dự án không kịp thay đổi hoặc không tìm ra được thị trường đã quyết định dừng dự án.
VẤN ĐỀ VỀ ĐỘI NGŨ
Tuy giàu nhiệt huyết và nhiều ý tưởng mới, các nhà sáng lập dự án thường thiếu góc nhìn, kiến thức và kỹ năng kinh doanh. Tại vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, các dự án khởi nghiệp thất bại thường có điểm chung là nhà sáng lập dự án không có định hướng phát triển rõ ràng, không chịu được áp lực thất bại, và không thực sự cam kết theo đuổi dự án dẫn đến dễ dàng bỏ cuộc. Cụ thể, dừng dự án vì áp lực từ gia đình, vì tìm được cơ hội làm việc tốt hơn, hoặc vì nản chí do dự án không phát triển.
Đặc biệt các nhà sáng lập là sinh viên mới tốt nghiệp đại học có tỉ lệ thất bại rất cao. Các bạn thường chưa có kinh nghiệm làm việc, chưa hiểu về cách thức vận hành của một công ty, thiếu kinh nghiệm sống và thường chưa có bản lĩnh để vượt quan những thất bại đầu tiên. Tại vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng, hầu hết các bạn sáng lập dự án khởi nghiệp tham gia vào chương trình ươm tạo có xu hướng dừng dự án vì lý do không đủ kinh nghiệp và khả năng vận hành công ty hoặc muốn theo đuổi công việc khác.
Thiếu đội ngũ gắn kết, có chung tầm nhìn, có các kĩ năng bổ sung cho nhau cũng là lý do khiến startup thất bại. Sau một thời gian làm việc, một số dự án tham gia chương trình gặp vấn đề khi các sáng lập phát triển tầm nhìn khác nhau, không thể đi đến thống nhất và buộc phải “chia tay”. Một số tranh chấp trong việc phân chia quyền lợi và trách nhiệm giữa đội ngũ nhân sự chủ chốt cũng đã khiến các dự án khởi nghiệp không phát triển được.
Khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự giỏi cũng là lý do khiến các dự án khởi nghiệp phát triển chậm và luôn đứng trước nguy cơ thất bại. Hiện nay các dự án khởi nghiệp tại Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng phải cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân trong việc tuyển dụng nhân sự. Để tuyển được nhân sự tốt, đòi hỏi sáng lập khởi nghiệp phải xây dựng được các mối quan hệ phù hợp, đồng thời có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý và phát triển nhân sự.
VẤN ĐỀ VỀ VỐN
Thiếu vốn cũng là một trong những khó khăn khiến các dự án khởi nghiệp thất bại. Khác với những trung tâm khởi nghiệp lâu đời trên thế giới như thung lũng Silicon – nơi có rất nhiều nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư có kinh nghiệm rót vốn vào các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam và đặc biệt là tại Đà Nẵng, hoạt động đầu tư mạo hiểm còn tương đối mới mẻ. Một phần rất lớn người giàu là từ hoạt động bất động sản và tài chính, một số đến từ thị trường tài nguyên, chưa thực sự hiểu về khởi nghiệp, về thị trường khởi nghiệp và đặc biệt có rất ít kinh nghiệm trong đầu tư mạo hiểm.
Bản thân các dự án khởi nghiệp ở thành phố Đà Nẵng cũng chưa đủ sẵn sàng về con người, sản phẩm và mô hình kinh doanh, đủ để thuyết phục các nhà đầu tư. Vì vậy, việc gọi vốn càng trở nên khó khăn hơn.
LỜI KẾT
Thất bại trong khởi nghiệp là điều khó tránh khỏi. Thất bại cũng là một phần của chặng đường khởi nghiệp, là cơ hội để cho các dự án khởi nghiệp học hỏi và là bàn đạp cho những thay đổi tích cực hơn. Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng luôn khuyến khích tinh thần chấp nhận thất bại và học hỏi từ thất bại, bên cạnh đó cung cấp hỗ trợ về đào tạo, tư vấn, cơ sở vật chất, kết nối các nhà đầu tư nhằm tạo điều kiện để các dự án có nhiều cơ hội khởi nghiệp thành công. Hằng năm, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng luôn tổ chức nhiều chương trình, sự kiện dành cho cộng đồng khởi nghiệp có quy mô và chất lượng cao. Đặc biệt, sự kiện Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng 2016 (Danang Startup Fair 2016), SURF 2017 đã diễn ra, thu hút đông đảo cộng đồng khởi nghiệp đến giao lưu và học tập (learn the waves). Năm nay, để tiếp nối thành công, sự kiện SURF 2018 với ý nghĩa “Link the waves” – Kết nối các nguồn lực sẽ là sự kiện khởi nghiệp lớn nhất của cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Đến với SURF 2018 để kết nối dự án của bạn với nhiều người hơn, và tìm kiếm người đồng hành đáng tin cậy cho mình!
Thông tin sự kiện:
Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng – SURF 2018
Mua vé tại: bit.ly/surfve2018
W: surfstartupwave.vn – E: [email protected] – P: (0236) 353 9966
Nguồn: Theo Phạm Thùy Liên – Tạp chí Cá Chuồn